Thời Hạn Tối Đa Cấp Lại (Gia Hạn) Giấy Phép Lao Động Cho Người Nước Ngoài

Theo pháp luật Việt Nam, thời hạn của giấy phép lao động là 02 năm. Sau khi hết thời hạn trên, nếu công dân nước ngoài vẫn muốn lưu trú tại Việt Nam để tiếp tục làm việc và lao động thì cần phải tiến hành thủ tục gia hạn hay còn gọi là cấp lại giấy phép lao động. Trong trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động; hoặc giấy phép đã hết hiệu lực mà không thuộc các trường được quy định tại Điều 7 – NĐ102/2013 của Chính phủ sẽ bị trục xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các trường hợp phải cấp lại Giấy Phép Lao Động

  • Giấy phép lao động bị mất.
  • Giấy phép lao động bị hỏng.
  • Giấy phép lao động hết hạn.
  • Các thông tin trên giấy phép lao động bị thay đổi như: họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp hộ chiếu, địa điểm làm việc, nơi làm việc.

Thời hạn tối đa khi cấp mới giấy phép lao động cho người nước ngoài

Điều 173, Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 11, Mục 3, Nghị định Số: 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm tại việc tại Việt Nam có hiệu lực thi hành ngày 3/2/2016.

Thời hạn tối đa của giấy phép lao động

Thời hạn của giấy phép lao động và thị thực lao động tối đa cho người nước ngoài tại Việt Nam là 2 năm.

Theo quy định của Điều 173 Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013 thì “Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm”. Hết thời hạn 2 năm người lao động nước ngoài có thể được gia hạn giấy phép lao động với thời hạn tối đa tương tự.

Cùng với quy định này thì theo đó thời hạn cho thị thực của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tối đa cũng chỉ được 2 năm. Như vậy những người nước ngoài được cấp giấy phép lao động kể từ ngày 1/5/2013 khi xin visa tối đa chỉ xin được loại visa 1 năm và nếu xin thẻ tạm trú thì thời hạn tối đa của thẻ tạm trú là 2 năm thay vì thời hạn tối đa là 3 năm như trước kia.

Quy trình cấp lại giấy phép lao động

Bước 1:

Đối với trường hợp cấp lại giấy phép lao động khi giấy phép lao động bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động như họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số hộ chiếu; địa điểm làm việc:

  • Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài phát hiện giấy phép lao động bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động thì người lao động nước ngoài có trách nhiệm báo cáo người sử dụng lao động;
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người sử dụng lao động nhận được báo cáo của người lao động nước ngoài, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đã cấp giấy phép lao động đó.

Đối với trường hợp cấp lại giấy phép lao động do giấy phép lao động hết hạn:

  • Trước ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày, trước ngày giấy phép lao động hết hạn, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp lại giấy phép lao động. Trường hợp không cấp lại giấy phép lao động thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

  • Đối với người lao động nước ngoài thực hiện hợp đồng lao động, sau khi người lao động nước ngoài được cấp lại giấy phép lao động, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động. Nội dung hợp đồng lao động không được trái với nội dung ghi trong giấy phép lao động đã được cấp lại.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết và bản sao giấy phép lao động đã được cấp lại đến sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp lại giấy phép lao động đó.

Bước 3: Doanh nghiệp, tổ chức nộp lệ phí và nhận giấy phép tại sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thời hạn cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài được viết rõ ràng trên giấy phép lao động cho nên trong quá trình làm việc tại Việt Nam, người lao động nước ngoài cần lưu ý thời hạn để kịp gia hạn, tốt nhất là trước 45 ngày trước khi giấy phép lao động hết hạn.

Các Bài Viết Liên Quan